Đình, Chùa Phương Vĩ (thành phố Bắc Ninh)
Đình, Chùa Phương Vĩ (khu Phương Vĩ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh) được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh vào năm 2002.
Đình Phương Vĩ.
Đình Phương Vĩ được khởi dựng từ thời Lê và bị đốt phá trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1994 phục dựng Đại đình; năm 2008 xây nhà Tiền tế; năm 2011 xây Nhà khách. Đình Phương Vĩ thờ Ngũ Vị Đại Vương (Công Minh Chính Trực). Các ngài có công giúp nhà Tiền Lý trong cuộc đại phá quân xâm lược nhà Lương ở thế kỷ thứ VI.
Tòa Đại đình có cấu trúc thượng chồng rường, hạ giá chiêng và xây bít đốc hai đầu.
Đình hiện có kiến trúc kiểu tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh, gồm: Đại đình 5 gian, Hậu cung 1 gian, bộ khung gỗ chắc khỏe. Tiền tế 3 gian, chất liệu bê tông cốt thép. Nhà khách 3 gian, đổ mái bằng. Tòa Đại đình có cấu trúc thượng chồng rường, hạ giá chiêng và xây bít đốc hai đầu. Phần Hậu cung có kết cấu vì nóc kiểu giá chiêng, kẻ ngồi, bẩy hiên.
Các sắc phong thời Nguyễn.
Đình Phương Vĩ còn bảo lưu một số tài liệu cổ vật quý, đặc biệt các tài liệu chữ Hán như: Bản thần tích (thời Lê, thế kỷ XVIII), 07 sắc phong thời Nguyễn, các đồ thờ tự (thời Lê, Nguyễn)…
Quyết định của UBND tỉnh về việc công nhận Đình, Chùa Phương Vĩ là Di tích Lịch sử - Văn hóa.
Lễ hội truyền thống của Đình Phương Vĩ được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng. Phần lễ có các nghi thức dâng hương cúng thánh tại đình. Song song với phần lễ là phần hội có nhiều trò chơi dân gian như: hát quan họ, đánh đu, chọi gà… Lễ hội thu hút đông đảo quần chúng nhân dân địa phương hướng về cội nguồn, là dịp tốt để giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, biết ơn những người có công với dân với nước, giáo dục thuần phong mỹ tục của nhân dân địa phương.
Chùa Phương Vĩ.
Chùa Phương Vĩ nằm liền kề với đình làng tạo thành một quần thể di tích cổ kính thâm nghiêm, được khởi dựng từ lâu đời, được trùng tu vào cuối thời Nguyễn.
Bộ tượng tam thế và Tòa cửu long (thời Nguyễn) là những cổ vật tiêu biểu có giá trị về nhiều mặt.
Chùa Phương Vĩ có kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm: Tiền đường 5 gian, Thượng điện 3 gian kiểu bình đầu bít đốc, cột trụ lồng đèn, bộ khung gỗ chắc khỏe. Vì nóc kiểu con chồng giá chiêng, trên các cấu kiện kiến trúc được chạm khắc công phu, nghệ thuật.
Nhà thờ Mẫu.
Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có Nhà mẫu 5 gian, Nhà tổ 3 gian, toàn bộ bằng chất liệu bê tông, cốt thép.
Nhà thờ Tổ.
Chùa Phương Vĩ là công trình tiêu biểu theo lối kiến trúc truyền thống. Hệ thống tượng Phật, các đồ thờ tự chứa đựng những giá trị về nghệ thuật điêu khắc, mỹ thuật của nghệ thuật dân gian. Nơi đây còn bảo lưu hệ thống cổ vật, di vật tiêu biểu có giá trị về nhiều mặt, như: Cây hương đá (Niên đại Chính Hòa), chuông đồng (thời Nguyễn 1846), tượng phật, các đồ thờ tự…
Chuông Đồng (thời Nguyễn 1846).
Cây hương đá (Niên đại Chính Hòa).
Hàng năm, chùa Phương Vĩ có ngày sự lệ: 29 tháng 3 âm lịch giỗ tổ chùa. Vào ngày này, nhân dân trong khu sửa biện hương hoa phẩm quả dâng hương cúng phật, cúng tổ, cúng mẫu tại chùa. Ngoài ra, vào những ngày tuần tiết, sóc vọng (tuần rằm), hàng tháng có đông đảo phật tử địa phương tới chùa dâng hương, lễ phật cầu bình an./.