79 năm Cách mạng tháng Tám thành công
Cách đây 79 năm, vào tháng 8/1945, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân vùng lên đập tan xiềng xích của chế độ thực dân phong kiến và giành lại nền độc lập cho dân tộc. Từ cuộc cách mạng vĩ đại đó, ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã đem lại cuộc đời mới tươi sáng cho nhân dân Việt Nam. Vào thời khắc hào hùng ấy, Bắc Ninh đã cùng với cả nước khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Ngày 19/8/1945, hàng chục vạn người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường
đổ về Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội dự mít tinh hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngày 09/3/1945, phát xít Nhật đảo chính Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp từ ngày 9 đến 12/3/1945 tại chùa Đồng Kỵ, sau chuyển về làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã ra Chỉ thị lịch sử “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.
Tháng 4/1945, Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam.
Từ tháng 4/1945 trở đi, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ, phong phú về nội dung và hình thức. Đầu tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước và chuẩn bị Đại hội quốc dân. Ngày 4/6/1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập, đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban chỉ huy lâm thời, trở thành căn cứ địa của cả nước. Tháng 8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; đề ra ba nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: tập trung, thống nhất, kịp thời. 23 giờ ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 01 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa.
Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18/8, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam… Ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do, dân chủ.
Được sự chỉ đạo trực tiếp và kịp thời của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ, phong trào cách mạng ở Bắc Ninh được đẩy lên bước phát triển mới. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945) cao trào kháng Nhật cứu nước vùng lên mạnh mẽ trong toàn tỉnh. Nhiều cuộc tuần hành thị uy, mít tinh, biểu tình, đấu tranh của hàng nghìn quần chúng đòi giảm tô, phá kho thóc của Nhật nổ ra ở tất cả các huyện. Phong trào cách mạng sục sôi của nhân dân trong tỉnh tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền lên cao.
Bắt đầu cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cơ sở đầu tiên ở Trung Mầu (Tiên Du) vào ngày 10/3/1945. Những ngày tháng sau đó, đồng loạt những cuộc đấu tranh của quần chúng và tự vệ ở các huyện tiến vào chiếm huyện đường. Mặt trận Việt Minh tuyên bố giải tán chính quyền bù nhìn tay sai, chính quyền về tay nhân dân. Nhiều cuộc mít tinh, tuần hành thị uy của nhân dân hô vang các khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Minh muôn năm”... Cờ đỏ sao vàng được kéo lên, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời các huyện được thành lập. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Bắc Ninh tiến hành nhanh gọn và giành thắng lợi: Huyện Tiên Du ngày 17/8, huyện Từ Sơn ngày 18/8, huyện Lang Tài, Yên Phong ngày 19/8, huyện Gia Bình, Thuận Thành ngày 20/8, tỉnh lỵ thành phố Bắc Ninh và huyện Võ Giàng ngày 20/8, huyện Văn Giang ngày 21/8, huyện Quế Dương ngày 22/8. Với sự nổi dậy của toàn dân, chính quyền ở phủ, huyện và tỉnh Bắc Ninh đã về tay cách mạng. Thắng lợi đó, nhờ có đường lối đúng đắn của Đảng, đáp ứng nguyện vọng, khát khao bức thiết của quần chúng. Nắm và thực hiện khởi nghĩa đúng thời cơ ngàn năm có một.
Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh từ thời dựng Đảng đến cách mạng Tháng Tám năm 1945, đội ngũ đảng viên được tôi luyện thử thách trong đấu tranh cách mạng dũng cảm, hy sinh. Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhạy bén, sáng tạo trong cách mạng vô sản. Đến tháng Tám năm 1945, Đảng bộ Bắc Ninh chỉ có khoảng 50 đảng viên, nhưng đã tổ chức và lãnh đạo toàn dân trong tỉnh nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân thành công trọn vẹn.
Nhân dân Bắc Ninh đã kế thừa và phát huy truyền thống văn hiến, chống giặc ngoại xâm của các bậc tiền bối; tiếp thu con đường cách mạng vô sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữ vững niềm tin theo Đảng Cộng sản Việt Nam làm cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02/9 là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống hào hùng và vô cùng vẻ vang của dân tộc, qua đó góp phần phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.