Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành

28/12/2023 14:40 View Count: 679

Để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, trong những năm gần đây các công trình di tích trên địa bàn thị xã Thuận Thành đã được tỉnh Bắc Ninh quan tâm trùng tu tôn tạo, trong đó có quần thể di tích quốc gia đặc biệt chùa Dâu, hệ thống Tứ Pháp Thành c Luy Lâu, thông qua hoạt động trùng tu tôn tạo di tích đã góp phần tích cực gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời cũng thu hút được đông đảo người dân và các tổ chức doanh nghiệp tham gia ủng hộ

(Chùa Dâu là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam)

Quần thể di tích quốc gia đặc biệt chùa Dâu, hệ thống Tứ Pháp Thành c Luy Lâu tọa lạc tại phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh được du khách trong và ngoài nước biết đến không chỉ là những công trình có dấu ấn kiến trúc, điêu khắc mang nghệ thuật đặc sắc của nhiều thời kỳ lịch sử mà còn được biết đến bởi đây là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta, là dấu tích quan trọng gắn với quá trình hình thành và phát triển Phật giáo Việt Nam.

Theo ghi chép của lịch sử và văn bia, chùa Dâu được khởi dựng ở vùng Dâu (Luy Lâu) vào thế kỷ II đầu Công nguyên, thời kỳ Sĩ Nhiếp (nhà Hán). Chùa Dâu là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, nơi khởi nguồn của đạo Phật. Chùa Dâu còn có các tên gọi khác như Cổ Châu tự, Diên Ứng tự, Pháp Vân tự, Thiền Định tự …Chùa Dâu còn là chùa Cả trong hệ thống chùa thờ Tứ Pháp, trong đó chùa Dâu thờ Thần Mây (Pháp Vân), chùa Thành Đạo thờ Thần Mưa (Pháp Vũ), chùa Phi Tướng thờ Thần Sấm (Pháp Lôi), ngoài ra có chùa Dàn thuộc phường Trí Quả thờ Thần Chớp (Pháp Điện) và chùa Tổ thuộc phường Hà Mãn nơi thờ phật mẫu Man Nương. Hệ thống chùa thờ Tứ Pháp là tượng trưng cho tín ngưỡng dân gian truyền thống của cư dân nông nghiệp gắn với các di tích Phật giáo mang tính bản địa, đó là sự hòa nhập giữa tín ngưỡng thờ thần thiên nhiên bản địa với Phật giáo. Đối với Thành cổ Luy Lâu, trong lịch sử không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế mà còn là trung tâm văn hóa và tôn giáo, với sự du nhập, phát triển của Phật giáo, hay sự truyền bá chữ Hán và Nho giáo vào nước ta. Thành cổ Luy Lâu còn được biết đến với một số tên gọi khác như Siêu Loại, Lũng Khê,... Luy Lâu có niên đại khoảng 2000 năm (thời Đông Hán), là một trong những tòa thành cổ nhất Việt Nam, chỉ sau Cổ Loa. Nơi đây được coi là kinh đô thứ 2 của Việt Nam và là trung tâm văn hóa giáo dục của nước ta ở thế kỷ thứ II, có thể thấy đây là một vùng đất có bề dầy lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời.

Trải qua thời gian với những biến đổi thăng trầm, chịu tác động của nhiều yếu tố làm các công trình trong quần thể di tích đã xuống cấp, ông Nguyễn Văn Thuận 72 tuổi người thuộc khu phố Lũng Khê, phường Thanh Khương cho biết, trước khi được trùng tu tôn tạo, công trình Đền thờ Sỹ Nhiếp và chùa Phi Tướng trong khu Thành cổ Luy Lâu đã xuống cấp nghiêm trọng, chính quyền địa phương và người dân ở đây phải gia cố công trình bằng cây trống, hàn kèo sắt; mỗi năm đến mùa mưa bão là rất lo đến nguy cơ đổ sụp, trong những năm gần đây nhân dân sở tại rất phấn khởi khi được Nhà nước quan tâm đầu tư tôn tạo, các công trình sau khi được trùng tu, tôn tạo vừa đảm bảo được không gian cho di tích lại vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ, đây sẽ là cơ sở để nhân dân địa phương tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị các di tích.

(Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh cùng cán bộ phường Thanh Khương kiểm tra tại di tích Đình Thanh Tương)

Sau khi có Quyết định số 737/QĐ-TTg ngày 19/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Quốc gia đặc biệt chùa Dâu hệ thống Tứ Pháp, Thành c Luy Lâu đã được các cấp chính quyền của tỉnh Bắc Ninh, thị xã Thuận Thành quan tâm và triển khai thực hiện đạt hiệu quả tích cực, ông Hoàng Đình Khoa - Chủ tịch UBND phường Thanh Khương cho biết, Phường Thanh Khương hiện có 13 công trình di tích, trong đó có 9 di tích đã được Nhà nước xếp hạng gồm: chùa Dâu-di tích Quốc gia đặc biệt; Thành cổ Luy Lâu - di tích cấp Quốc gia; 7 công trình di tích cấp tỉnh (chùa Thành Đạo, chùa Phi Tương, chùa Bình Văn, Nghè Đại Tự, Nghè Thanh Hoài, Đình Thanh Tương, Nhà thờ Hoàng giáp Thanh Hoài), ngoài ra, bộ tượng Tứ pháp được Nhà nước công nhận là bảo vật Quốc gia.

Để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, những năm gần đây tỉnh Bắc Ninh đã giành nguồn lực đầu tư trùng tu tôn tạo các công trình di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn trong đó có các công trình trong Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt chùa Dâu và hệ thống Tứ Pháp, Thành cổ Luy Lâu. Tính từ năm 2019 đến nay, nguồn kinh phí giành cho đầu tư các công trình di tích trên địa bàn phường Thanh Khương lên đến 119,56 tỷ đồng, trong đó có 112,6 tỷ đồng là ngân sách Nhà nước, nguồn xã hội hóa từ người dân và tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn là 6,96 tỷ đồng.

Cùng với hoạt động trùng tu, tôn tạo, những năm qua, phường Thanh Khương đã tích cực tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác trùng tu, tôn tạo gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, ngoài nguồn vốn được Nhà nước hỗ trợ, nhân dân địa phương đã huy động xã hội hóa từ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn để đầu tư vào các công trình do UBND phường làm chủ đầu tư, tiêu biểu có các công trình như Nghè Đại Tự, Nghè Thanh Hoài, Nhà tam bảo thượng chùa Phi Tướng, khi có sự đồng thuận từ người dân, người góp công, người góp của, các công trình đều sớm hoàn thành trước tiến độ đề ra. Ông Hoàng Đình Khoa cho biết, đối với công trình chùa Dâu - di tích Quốc gia đặc biệt, khu nội tự đã được Nhà nước trùng tu tôn tạo từ những năm trước, đối với khuôn viên bên ngoài di tích chùa Dâu hiện nay đang được UBND thị xã Thuận Thành chỉ đạo thực hiện giải phóng mặt bằng để đầu tư các hạng mục phụ trợ, công trình dự kiến thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

(Chùa Phi Tướng sau khi được tôn tạo)

Các công trình di tích được trùng tu tôn tạo sẽ làm gia tăng giá trị văn hóa tinh thần, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng của nhân dân. Một trong những hoạt động văn hóa tôn giáo - tín ngưỡng liên quan đến Trung tâm Phật giáo Dâu - Luy Lâu,  đó là Lễ Hội vùng Dâu, ông Lý Văn Hải - Chủ tịch Hội người cao tuổi phường Thanh Khương cho biết, Lễ Hội vùng Dâu được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 8-4 (Âm lịch), cũng là ngày Phật đản theo truyền thống cổ, nhưng một trong những đặc sắc của Lễ Hội Dâu là Lễ rước Phật vào ngày hội, tuy nhiên hiện nay Lễ rước Phật cũng có phần mai một do đã lâu không tổ chức. Ông Hải mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư các công trình phụ trợ cho Quần thể di tích nhất là khu vực bến bãi để đáp ứng được nhu cầu du lịch văn hóa - lịch sử gắn với lễ hội; kết nối chùa Dâu và hệ thống Tứ Pháp, Thành cổ Luy Lâu với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và vùng phụ cận.

(Đền thờ Sỹ Nhiếp sau khi được tôn tạo)

(Chùa Thành Đạo đang trong giai đoạn trùng tu, tôn tạo)

Nguyễn Thị Lan Phương - Phó trưởng phòng Văn hóa thông tin thị xã Thuận Thành cho biết, Thuận Thành hiện có 224 di tích, trong đó có 81 di tích được Nhà nước xếp hạng gồm: cấp quốc gia đặc biệt là 2 di tích, cấp quốc gia là 22 di tích, cấp tỉnh là 57 di tích; 5 bảo vật và nhóm bảo vật quốc gia. Trong những năm qua, công tác trùng tu, tôn tạo các công trình di tích trên địa bàn thị xã Thuận Thành đã được tỉnh Bắc Ninh rất quan tâm, trong đó có quần thể di tích quốc gia đặc biệt chùa Dâu, hệ thống Tứ Pháp Thành c Luy Lâu, thị xã Thuận Thành đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về công tác quản lý và triển khai các dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích theo quy hoạch được duyệt. Tích cực quản lý, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu vực di tích, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, trông coi, bảo vệ trực tiếp các di tích; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản văn hóa để ngăn ngừa, xử lý kịp thời các vi phạm; cùng với ngành văn hóa của tỉnh thường xuyên khảo sát, đánh giá hiện trạng nhằm chủ động đề xuất với cấp thẩm quyền có giải pháp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, từng bước thực hiện mục tiêu xây dựng thị xã Thuận Thành trở thành đô thị gắn với di sản, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Trong những năm gần đây nhiều di sản văn hoá vật thể, phi vật thể được bảo vệ và phát huy giá trị, trong đó công tác xã hội hoá đã thu hút được đông đảo các tổ chức và cá nhân tham gia ủng hộ, góp phần tích cực gìn giữ bản sắc văn hóa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử. Quần thể di tích quốc gia đặc biệt chùa Dâu, hệ thống Tứ Pháp Thành c Luy Lâu sau khi được các cấp, các ngành tỉnh Bắc Ninh quan tâm đầu tư tôn tạo sẽ là cơ sở để trở thành điểm du lịch tâm linh tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến hành hương tìm hiểu về lịch sử văn hóa, trở thành minh chng xác thực cho sự du nhập và giao lưu của Phật giáo với tín ngưỡng bản địa của vùng đất Luy Lâu -Thuận Thành, đồng thời cũng góp phần thực hiện thành công Ðề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”./.

Một số hình ảnh công trình di tích tại phường Thanh Khương:

(Chùa Dâu là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam)

(Đền thờ Sỹ Nhiếp sau khi được tôn tạo)

(Đền thờ Sỹ Nhiếp sau khi được tôn tạo)

(Đền thờ Sỹ Nhiếp sau khi được tôn tạo)

(Đền thờ Sỹ Nhiếp sau khi được tôn tạo)

(Cổng chùa Phi Tướng sau khi được tôn tạo)

(Chùa Phi Tướng sau khi được tôn tạo)

(Chùa Phi Tướng sau khi được tôn tạo)

(Nghè Đại Tự sau khi được tôn tạo)

(Nghè Thanh Hoài sau khi được tôn tạo)

(Chùa Bình Văn)

(Chùa Thành Đạo đang trong giai đoạn trùng tu, tôn tạo)

(Chùa Thành Đạo đang trong giai đoạn trùng tu, tôn tạo)

 

     


 

 

Nguyễn Lam

 

Source: https://thuanthanh.bacninh.gov.vn