Chuyển biến sau 18 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

29/09/2018 18:39 View Count: 598

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp và sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt, sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại Bắc Ninh đã trở thành một phong trào rộng lớn của quần chúng, thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo sức lan tỏa, khơi dậy nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống, đấu tranh phê phán thói hư, tật xấu, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của người dân.

Khu di tích Đền thờ Lý Thường Kiệt (Tam Giang, Yên Phong) được đầu tư xây dựng, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị, ý nghĩa lịch sử của chiến tuyến Như nguyệt.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, trong 18 năm thực hiện phong trào (từ năm 2000 đến nay) đã có nhiều mô hình tiêu biểu, cách làm hiệu quả được phổ biến, nghiên cứu, học tập và nhân rộng. Các danh hiệu văn hóa được quan tâm bình xét theo đúng tiêu chí. Kết quả có hàng nghìn lượt hộ gia đình giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa” trong nhiều năm liên tục. Tính đến năm 2017, toàn tỉnh có hơn 270 nghìn Gia đình Văn hóa, tăng 35,1% so với năm 2000; 657/733 làng, khu phố văn hóa, tăng 55,6% so với năm 2000; 73/97 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 14/29 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị và có gần 1000 cơ quan, đơn vị đạt Công sở văn hóa. 
Thực hiện phong trào góp phần huy động tối đa nguồn lực xây dựng nông thôn mới; vận động được nhân dân đóng góp xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế, văn hóa xã hội ở cộng đồng. Hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng và sửa chữa, nâng cấp. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội có sự chuyển biến tích cực ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Đáng kể nhất là trong việc tang, xóa bỏ được nhiều hủ tục rườm rà, lạc hậu, tình trạng mời khách ăn uống trong ngày tang lễ giảm rõ rệt, tỷ lệ đám tang hỏa táng, điện táng xấp xỉ 38% trong 6 tháng đầu năm 2018.
Phong trào xây dựng gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến cũng trở thành mục tiêu trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trong mỗi dòng họ, gia đình. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, giúp nhau phát triển kinh tế được triển khai thiết thực, hiệu quả. Cả tỉnh “chung một tấm lòng” chăm lo cho người nghèo, người có công với cách mạng. Nhiều phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành được người dân hưởng ứng tham gia thực hiện đầy đủ, trách nhiệm.
Hệ thống di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan thiên nhiên được quan tâm bảo vệ. Nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao truyền thống và thuần phong mỹ tục của địa phương được bảo tồn, phát triển. Phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ với hơn 700 CLB văn nghệ. Từ 44 làng Quan họ gốc đã lan tỏa, phát triển 329 làng Quan họ thực hành, trong đó có nhiều CLB Dân ca Quan họ duy trì sinh hoạt thường xuyên, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư. Người dân tự nguyện, tự giác luyện tập TDTT, nâng cao sức khỏe, thể lực với trên 1500 CLB, điểm tập TDTT cơ sở. Hàng năm, có khoảng 2000 giải thể thao phong trào từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh được tổ chức...
Có thể thấy, những kết quả đạt được từ phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của tỉnh không chỉ đánh dấu sự chuyển biến tích cực về ý thức cộng đồng mà còn tạo sự gắn kết giữa các gia đình, dòng tộc, các tôn giáo trong cộng đồng, tạo động lực cho nhân dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh. Đây cũng là bước chuyển quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh, huy động được tối đa các nguồn xã hội hóa để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo nên bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.
Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tiễn đời sống hiện nay thì sức tác động và hiệu quả của phong trào đến các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa của một số địa phương còn hạn chế, chưa có sự thuyết phục. Phong trào có xu hướng dàn trải, thiếu tính bền vững, chưa khai thác được nhân tố con người trong quá trình thực hiện. Tác động của phong trào đối với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội chưa cao... Đặc biệt, việc xét tặng các danh hiệu văn hóa nhiều nơi mang tính hình thức. Các phong trào liên quan đến xây dựng nông thôn mới chủ yếu chú ý đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chưa quan tâm tới căn cốt là văn hóa. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thực sự gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang dẫn đến hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động còn ở mức độ.
Bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, những bất cập trong một số văn bản quản lý nhà nước. Công tác phối hợp giữa các ngành thành viên thiếu chặt chẽ nên hoạt động của BCĐ phong trào các cấp chưa cao, chưa toàn diện; vấn đề bố trí, sử dụng kinh phí, nhân sự, chế độ phụ cấp cho người làm phong trào hạn chế… Một số địa phương, cơ quan, đoàn thể còn coi phong trào là trách nhiệm của ngành văn hóa, chưa xác định tính chủ thể “toàn dân” của phong trào…
Trong những năm tiếp theo, để đưa phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, bền vững và chất lượng, BCĐ phong trào các cấp tiếp tục coi trọng công tác tuyên truyền, vận động để làm thay đổi tư duy, nhận thức trong toàn thể nhân dân về ý nghĩa của phong trào. Bởi chỉ khi nhận thức đúng thì sự phát triển, lan tỏa sẽ không bị chệch hướng, những tiêu chí của phong trào từ đó sẽ có hàm lượng chất lượng cao và thiết thực hơn.

Bài, ảnh: Việt Thanh

 

Source: http://baobacninh.com.vn