Hương sắc làng Quan họ

23/09/2024 14:48 View Count: 72

Quan họ, nét văn hóa đặc sắc của vùng Kinh Bắc, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại từ năm 2009. Đây là loại hình diễn xướng tích hợp nhiều yếu tố, không chỉ được biểu hiện trên phương diện âm nhạc mà nó còn được thể hiện một cách tinh tế qua trang phục, bao gồm cả trang phục nam (liền anh) và trang phục nữ (liền chị). Những tinh hoa văn hóa và vẻ đẹp của di sản thời trang được các làng quan họ thể hiện trong Hội Lim – lễ hội diễn vào tháng Giêng hàng năm.

Trang phục quan họ không rực rỡ phô trương mà nền nã, kín đáo. Người mặc trang phục đâu chỉ khoe vẻ đẹp lụa là mà còn ẩn chứa cả tâm hồn, tính cách. Chị hai quan họ thường mặc áo mớ ba mớ bảy, kiểu áo dài nữ cũng là kiểu năm thân có cài khuy. Chất liệu may áo xưa là the, lụa. Áo ngoài mang màu nâu già, nâu non, màu đen, màu cánh gián. Áo dài trong thường nhuộm màu khác: màu cánh sen, màu thanh thiên, màu hồ thủy, màu vàng canh... Cổ áo không đóng kín mà để lộ một phần của chiếc yếm được cắt thật khéo léo bên trong hiện lên rõ nét chiếc cổ cao ba ngấn trắng ngần. Yếm thường có hai loại là yếm cổ xẻ (dành cho người trung niên) và yếm cổ viền (dành cho người trẻ tuổi). Giải thắt yếm sẽ vòng quanh eo rồi thắt múi phía trước cùng với bao và thắt lưng. Thắt lưng là loại bao nhỏ ôm gọn quanh eo, luồn qua lưng áo dài, bằng lụa nhuộm có màu tươi sáng như như màu hoa lựu, màu hoa hiên, màu hồng thủy... Váy quan họ là váy sồi, váy lụa màu đen, may rộng, bao trùm đến mắt cá.

Nhắc đến trang phục quan họ không thể bỏ qua nón ba tầm và chiếc khăn mỏ quạ. Nón ba tầm được các cô gái mang theo để vừa che nắng che mưa vừa làm duyên. Đặc biệt chiếc nón còn dùng để che gió khi hát, giữ cho giọng luôn được vang-rền-nền-nảy. Chiếc nón khi thì đội, lúc thì khoác sau lưng, lúc lại được làm “đạo cụ” để thực hiện những động tác múa khi hát. Chiếc khăn mỏ quạ được quấn khéo léo, công phu sao cho đường ngôi phải ở chính giữa, khăn đội phải tạo thành một búp sen ở phía trước, làm cho các cô gái trở nên duyên dáng, đoan trang, khiến ta liên tưởng đến câu ca dao quen thuộc: “Cái khăn đội đầu như thể hoa sen”. Liền chị chân đi đôi dép cong, đeo thêm đôi xà tích.

Trang phục của nam giới ở làng quan họ đơn giản hơn so với nữ giới. Nam mặc áo dài ngũ thân, cổ đứng, có lá sen, viền tà, gấu to, dài tới quá đầu gối; quần dài màu nâu hoặc màu đen cùng với màu áo, ống rộng, may kiểu có chân què dài tới mắt cá chân; đầu đội nhiễu quấn hoặc khăn xếp. Ngoài ra, khi hát quan họ, các “liền anh” dùng ô đen.  

Cùng với áo dài truyền thống, trang phục quan họ làm nên nét tinh hoa, làm giàu có dòng trang phục truyền thống của cộng đồng các dân tộc Viêt Nam. Vẻ đẹp trang phục cùng với làn điệu dân ca quan họ say đắm lòng người cũng là di sản văn hóa tạo nên dấu ấn của mảnh đất Bắc Ninh.

Chảy hội. Ảnh: Trần Phan (Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Bắc Ninh)

Hát Quan họ trên thuyền..Ảnh Vũ Quang Bình (Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Bắc Ninh)


 


 

Minh Huy