Một số giai thoại về nguồn gốc Quan họ

13/11/2024 09:10 View Count: 66

Trong dân gian xuất hiện rất nhiều giai thoại, quan niệm về nguồn gốc sinh hoạt văn hóa Quan họ: Bài bản, thời gian khởi nguồn, không gian và môi trường diễn xướng, ý nghĩa của tên gọi “Quan họ”. Tuy chỉ là ký ức dân gian được truyền miệng, thậm chí đậm chất huyền thoại song vẫn có thể tìm thấy trong những giai thoại dưới đây những yếu tố tiếp cận thực tế khách quan về nguồn gốc Quan họ.

Hầu hết các giai thoại cho rằng ngay từ buổi đầu sơ khai, hình thức diễn xướng Quan họ đã là hát đối đáp.

Giai thoạn về tục kết chạ Diềm-Bựu: Vào thời nhà Lê, có hai viên quan ở làng Diềm và làng Bựu chơi với nhau rất thân. Khi về hưu, hai ông tổ chức cho hai làng kết chạ với nhau. Những dịp hai làng tổ chức hội hè đình đám, nhất là lễ hội mùa xuân, đều mời nhau sang chơi, trước là làm lễ thờ thần, sau là tổ chức cho trai gái hai làng hát đúm. Tục ấy cứ truyền mãi, sau gọi là hát Quan họ
Giai thoại về tục kết chạ Lũng Giang-Tam Sơn: Vào thời nhà Lê, người Lũng Giang mua gỗ lim từ Thanh Hóa ra để làm đình. Bè gỗ theo sông Tiêu Tương tới địa phận cánh đồng Tam Sơn thì bị mắc cạn. Dân Tam Sơn rủ nhau ra kéo giúp. Người hai làng vừa kéo gỗ vừa hát đúm với nhau. Sau đó hai làng kết chạ. Vào dịp hai làng có việc hội hè, quan, tế, họ đều mời nhau đến và tổ chức cho nam nữ hò hát, cứ trai bên này ca với gái bên kia, gọi là hát đúm. Tục ấy cứ thế mà truyền, về sau lại sáng tác thêm bài mới, lối hát mới cho phù hợp, gọi là hát Quan họ.
Giai thoại về tiếng hát của Ỷ Lan: Vua nhà Lý đi chơi hội xuân ở làng Thổ Lỗi thuộc xứ Kinh Bắc, chợt thấy một cô gái xinh đẹp đứng dựa vào cây lan mà hát rất hay. Vua bèn đưa nàng về kinh lấy làm vợ, gọi là Nguyên Phi Ỷ Lan. Sau này người làng Thổ Lỗi lập đền thờ bà và tổ chức hát vào tháng Giêng, tháng Hai những bài bà Ỷ Lan thường ca năm xưa. Tiếng hát ấy gọi là Quan họ...
Giai thoại về Trạng Bựu tổ chức hát đúm: Sau khi đỗ đạt, Trạng Bựu vinh quy bái tổ. Bấy giờ làng Bựu dân cư thưa thớt, đồng đất bỏ hoang, lau sậy um tùm, Trạng Bựu chiêu dân khai phá đất hoang, khuyên dân chăm lo làm ruộng. Vào những năm được mùa, ông mở hội xuân cho con trai, con gái hát đúm với nhau. Vì hát ở quê quan Trạng nên về sau gọi là hát Quan họ, tức tiếng hát của họ nhà quan.
Giai thoại về việc quan nhà Lý đi kinh lý xứ Bắc: Các quan nhà Lý đi kinh lý ở vùng Bắc Ninh, đang đi trên đường chợt nghe có tiếng hát từ cánh đồng vẳng lên. Các quan thấy hay dừng lại nghe. Từ đó tiếng hát ở đây gọi là Quan họ, nghĩa là tiếng hát làm quan phải dừng lại.
Giai thoại về vua nhà Lý đặt tiếng hát trong các đám cưới: Thời Lý, vua dựa vào các lối hát dân gian mà đặt ra lối hát mua vui trong các đám cưới. Về sau nhiều địa phương ở Bắc Ninh căn cứ vào lối hát ấy rồi sáng tạo thêm các bài bản mới cho phù hợp với nội dung giao duyên của đám cưới. Tiếng hát đó gọi là Quan họ, nghĩa là tiếng hát của quan viên hai họ nhà trai-nhà gái.
Giai thoại về tiếng hát của bà Nhũ Hương: Truyền rằng vào thời nhà Lê, hoàng tử sinh ra cứ khóc mãi, không ai dỗ nổi, không thầy thuốc nào chữa được. Một hôm, hoàng hậu nằm mơ có thần báo mộng là phải đi tìm người đàn bà hát hay có ba vú và sữa thơm thì mới dỗ nín được hoàng tử. Khi vua và hoàng hậu đi tới vùng Đại Chu (Long Châu, Yên Phong ngày nay), chợt nghe có tiếng hát của cô gái cắt cỏ: Tay cầm bán nguyệt xênh xang/Tôi cầm bán nguyệt mở mang tứ thành”. Vua thấy lạ, cho dò hỏi mới hay đó chính là người đàn bà có ba vú và sữa thơm. Cô gái được vua đưa về cung, vừa cho hoàng tử bú thì nín ngay. Vua phong chồng bà làm quan “Đề lĩnh tứ thành” và phong bà là “Nhũ Hương”, nghĩa là người đàn bà có sữa thơm. Sau bà Nhũ Hương về quê dạy dân hát, tiếng hát ấy gọi là Quan họ.
Như vậy, hầu hết các giai thoại đều cho rằng Quan họ được hình thành trên cơ sở của sự khởi nguồn, tiếp thu, sáng tạo từ các loại hình dân ca, nhạc cổ truyền vốn có của các làng xã Bắc Ninh. Về hình thức và lề lối Quan họ từ buổi phôi thai đã là hát đối đáp, có thể đối đáp giữa hai làng hoặc giữa dân làng với binh lính, sau đó chuyển sang hát đối đáp nam nữ. So sánh đối chiếu với bản chất nội tại của sinh hoạt văn hóa Quan họ trong những năm 30-40 của thế kỷ XX thì hình thức, lề lối ca hát Quan họ trong ký ức dân gian cũng có nhiều điểm tương đồng và phù hợp.

Thuận Thảo (Theo Không gian văn hóa Quan họ)

Source: Báo Bắc Ninh