Về thăm đình Đình Bảng - Ngôi đình đẹp nhất xứ Kinh Bắc

14/08/2024 09:00 View Count: 265

Đình Đình Bảng là điểm đến ưa thích của du khách trong hành trình du lịch miền quê Quan họ Bắc Ninh. Nghệ thuật và quy mô kiến trúc độc đáo, tinh xảo nên từ xưa đình làng Đình Bảng được coi là một trong 3 ngôi đình đẹp nhất xứ Kinh Bắc, từ lâu đã đi vào câu ca:

Thứ nhất là đình Đông Khang

Thứ nhì Đình Báng, vẻ vang đình Diềm

        Di tích đình Đình Bảng nằm ở trung tâm phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đình Bảng nơi phát tích của vương triều Lý, vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 20km về phía Bắc. Theo quan niệm về phong thủy, người dân Đình Bảng tương truyền, thế đất làng mình như một con nhện khổng lồ, lưng con nhện là khu đất giữa làng, mà các chân của con nhện ấy là các ngõ xóm. Con nhện khổng lồ ấy như đang xòe rộng các chân che chở cho cả làng. Hiện nay, trên câu đầu gian giữa tòa Đại đình còn giữ dòng niên đại chạm khắc thời gian xây dựng đình “ngày lành tháng tốt năm Bính Thìn thời Lê, niên hiệu Vĩnh Hựu 2 (1736). Theo các nguồn tư liệu ở địa phương thì đình làng Đình Bảng (tên nôm là đình làng Báng) vốn xưa ở đầu làng phía Đông gọi là Miếu Thượng. Vì chật hẹp khi vào đình đám hội hè nên được dời vào vị trí giữa làng như hiện nay. Vào thời đầu thế kỷ XVIII với sự hưng công của nhân dân trong làng, đặc biệt là gắn liền với tên tuổi của Huyện thừa Nguyễn Thạc Lượng - một người con của quê hương Đình Bảng ngôi đình được khởi công xây dựng. Đình Đình Bảng còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc, nơi đây là một cơ sở cách mạng quan trọng trong thời kì tiền khởi nghĩa, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám  năm 1945 của dân tộc.

                Đình làng Đình Bảng

        Cũng như nhiều đình làng Việt Nam dựng vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, đình Báng có kiến trúc bề thế, hòa hợp với thiên nhiên Việt Nam. Đình có mái dài, rộng, các đầu đao uốn cong vút, lợp ngói mũi hài dày bản, rộng khổ. Trong các công trình kiến trúc gỗ cổ truyền tại Việt Nam, đình Bảng chính là công trình có các đầu đao vươn xa nhất. Hiện nay còn rất ít các ngôi đình giữ được đồng bộ hệ thống sàn gỗ từ Đại bái đến Hậu cung như đình Đình Bảng.

Khuôn viên đình bao gồm các công trình kiến trúc chính như: Nghi môn, Đại bái, Ống muống, Hậu cung. Phía sau đình là đài tưởng niệm sáu vị Tổ, giếng đình và một ngôi miếu nhỏ. Bên trái đình là nhà thờ cụ Nguyễn Tiến Hường. Tòa đại Đình có quy mô lớn, đồ sộ, kiểu thức chữ công, gồm tòa Đại bái và Hậu cung được nối với nhau bằng tòa Ống muống 3 gian. Trong đó, tòa Đại bái tập trung nhiều nhất các giá trị nghệ thuật và kiến trúc của ngôi đình. Tòa Đại bái mang kiến trúc nhà sàn gỗ hình chữ nhật dài 28m, rộng 15m, 5 gian 2 chái 2 dĩ dựng trên nền cao 3 cấp đá xanh bó xung quanh. Bộ khung được làm hoàn toàn từ gỗ lim gồm 60 chiếc cột được dựng trên các chân tảng đá xanh.

Ngay khi bước qua hai cánh cửa bằng gỗ vào không gian phía trong du khách sẽ choáng ngợp bởi bức cửa võng lớn ở gian giữa cao bắt đầu từ xà thượng dài xuống tận mặt sàn, trải rộng hết một gian đình được chạm trổ công phu, tỉ mỉ, rất cầu kỳ. Màu vàng son của cửa võng làm rực rỡ cả gian đình. Trong đó hình tượng rồng xuất hiện nhiều nhất, trên các ván gió, vì nách, đầu dư, bẩy hiên, chốt bẩy… với hàng trăm con rồng được tạo tác khác nhau. Trong đình có hơn 500 đầu rồng chạm khắc tinh xảo mà không chiếc nào giống chiếc nào, hay bức ngũ long tranh châu. Rồng điển hình ở đình Đình Bảng có vẩy, sừng ngắn, tai vểnh như cánh chim nhỏ, mắt tròn lồi, miệng rộng loe, môi dày với góc nhìn chính diện hoặc quay 2/3 đầu ra ngoài, dưới bụng rồng có đốt… 41 mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII.

Không chỉ có vậy, du khách dành thời gian tìm hiểu sẽ càng thấy cuốn hút với vô số các tác phẩm chạm khắc trên gỗ chau chuốt, hài hòa có ở đình, như bức “Bát mã quần phi” nổi tiếng với 8 con ngựa ung dung trên đồng cỏ, … Bởi vậy, nhiều bức điêu khắc, trang trí trên gỗ ở đây được coi là những tác phẩm tiêu biểu thế kỷ XVIII ở Việt Nam.

        Đình Bảng là nơi hội tụ văn hóa tín ngưỡng, Đình thờ 3 vị thần: Cao Sơn đại vương (Thần Núi), Thuỷ Bá đại vương (Thần Nước) và Bạch Lệ đại vương (Thần Nông), đây là các vị thần được cư dân nông nghiệp tôn thờ, cầu mong mưa thuận gió hòa cho mùa màng tươi tốt. Ngoài thờ ba vị Thành hoàng làng, đình Đình Bảng còn thờ Lục tổ - là sáu vị người làng Đình Bảng có công lập lại làng sau khi Lê Lợi khởi nghĩa đánh tan giặc Minh xâm lược. Hàng năm ngày 15 tháng 2 (Âm lịch) nhân dân lại mở hội. Đây là một trong những lễ hội lớn ở Bắc Ninh với các nghi lễ tế thần cầu mong các vị Thần và Lục tổ phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng phong đăng hòa cốc, dân làng được nhân khang vật thịnh, giàu sang và càng ngày càng đổi mới và phát triển. Đặc biệt trong các ngày hội đình có nghi lễ đón “Chạ anh” từ Cẩm Giang, Đồng Nguyên đến dự lễ khai hội và làm lễ khớp con so. Đây là một truyền thống tốt đẹp mà ngày nay vẫn được duy trì và phát huy để nhắc nhở con cháu tình nghĩa anh em keo sơn cùng giúp đỡ nhau trong cuộc sống, xây dựng xóm làng, quê hương.

          Với vẻ đẹp về quy mô kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc, nghệ thuật trang trí, đình Đình Bảng  cho du khách một cái nhìn trọn vẹn của kiến trúc đình làng được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XVIII.

          Qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi đình luôn là niềm tự hào của xứ Bắc Ninh - Kinh Bắc và cả nước, được bảo vệ gìn giữ ngày càng khang trang tố hảo, đáp ứng nhu cầu tâm linh và văn hóa của cộng đồng, đồng thời phục du khách tham quan nghiên cứu.

           Di tích Đình Đình Bảng đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia đợt I, Quyết định số 313-VH/VP ngày 28 tháng 4 năm 1962 và tỉnh Bắc Ninh đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

         Ngoài ra, đến với Đình Bảng du khách còn có thể thưởng thức đặc sản bánh Phu Thê, thăm ngôi nhà cổ 300 năm tuổi dòng họ Nguyễn Thạc (được xây dựng cùng thời với đình Đình Bảng) tại làng Đình Bảng, sẽ là một trải nghiệm thú vị khó quên trên quê hương vương triều Lý.


 

Nguyễn Xuân Côn (Phòng Quản lý Du lịch)