Đình Cách Bi
Đình Cách Bi vốn được xây dựng từ lâu đời trên bãi bồi phía ngoài đê sông Đuống. Vào thời Nguyễn, năm Tự Đức XIX (1886) do nằm ngoài sông, thường xuyên bị lụt lội, xói lở nên đình được di chuyển vào trong đê, xây dựng cách chân đê sông Đuống chưa đầy 100m. Năm 1993, đình được tu bổ tôn tạo trên nền xưa đất cũ theo dáng vẻ truyền thống.
Tòa Đại đình.
Đình Cách Bi hiện tọa lạc trên một khu đất có tổng diện tích gần 700m2, thuộc xóm trên của làng Cách Bi, xã Cách Bi, huyện Quế Võ. Đình có kiến trúc hình chữ Đinh bao gồm: Đại đình và Hậu cung.
Cổng đình Cách Bi.
Đại đình gồm 3 gian 2 chái, kiểu thức 4 mái 4 đao cong, bờ nóc đắp đôi rồng chầu mặt nguyệt, 3 gian phía trước mở hệ thống cửa bức bàn “thượng song hạ bản”, 2 gian bên xây gạch kín có trang trí cửa sổ hình chữ nhật. Bộ khung đình được làm bằng gỗ lim, tuy không to nhưng còn khá chắc chắn. Kết cấu vì làm theo lối con chồng giá chiêng, tiền kẻ, hậu kẻ được liên kết với hệ thống cột gồm 6 hàng ngang, 4 hàng dọc, cùng với hệ thống các xà, kẻ, hoành.
Bia văn chỉ.
Trên các bộ phận của kiến trúc như các mảng cốn, con chồng, đấu vuông, đầu kẻ được chạm khắc các đề tài truyền thống như rồng, hổ phù hoa lá vân mây cách điệu. Nối liền với gian giữa của Đại đình là 3 gian Hậu cung. Ngăn cách giữa Hậu cung và Đại đình là cửa cấm. Hậu cung gồm 2 gian 1 dĩ, bộ khung gỗ lim chủ yếu được bào trơn đóng bén.
Bài vị thờ đức thánh Linh Lang đặt tại Hậu cung.
Đình Cách Bi là nơi thờ phụng, tưởng niệm về đức thánh Linh Lang (Hoằng Chân), ngài là con trai thứ tư của vua Lý Thái Tông và cung phi Hạo Nương. Từ nhỏ, Linh Lang đã tỏ ra là một người thông minh có khí phách. Đến năm 14 tuổi đã tinh thông võ nghệ, từng theo vua cha đi đánh giặc Chiêm Thành. Năm 1076 - 1077, nhà Tống đem quân sang xâm lược nước ta, Linh Lang đã theo sự phân công của Thái úy Lý Thường Kiệt đảm nhiệm thủy quân đánh ngược lên phía Bắc, tiêu diệt cụm căn cứ của tướng Quách Quỳ, cùng phối hợp với đạo quân của Lý Thường Kiệt tấn công Triệu Tiết khiến quân Tống thất trận trên phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu, tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Trong trận quyết chiến này, hoàng tử Linh Lang đã anh dũng hy sinh. Vua hay tin, vô cùng đau xót, để tưởng nhớ công lao đánh đuổi giặc ngoại xâm của Linh Lang, vua đã sắc phong hoàng tử là “Linh Lang Đại Vương thượng đẳng tối linh thần” và lệnh cho nhân dân những nơi Linh Lang đã đi qua xây đền miếu để thờ phụng muôn đời.
Hoành phi chất liệu gỗ niên đại sau năm 1945.
Bộ chấp kích niên đại sau năm 1945.
Các hiện vật tiêu biểu gồm: bia Bản xã văn chỉ bi ký, niên đại Tự Đức 1877; bia Ký kỵ bi ký, niên đại Thành Thái 5 (1893); bia Ký kỵ bi ký, niên đại Bảo Đại 4 (1929); bia Bản ấp văn từ tục ký, niên đại Tự Đức 36 (1883); bia Ký hậu bi ký, niên đại Duy Tân 9 (1915); bia Bản xã văn chỉ ký kỵ, niên đại Bảo Đại 4 (1929); ngai thờ, bài vị chất liệu gỗ; bộ chấp kích, đỉnh hương, câu đối, hoành phi chất liệu gỗ, niên đại sau năm 1945.
Cửa bức bàn làm bằng gỗ lim.
Bộ khung trang trí chạm khắc rồng, hổ phù hoa lá vân mây cách điệu.
Những tài liệu, hiện vật còn lưu giữ được là di sản văn hoá quý giá của cha ông để lại, chứa đựng nhiều thông tin, góp phần tìm hiểu về văn hoá, tín ngưỡng, phong tục tập quán, truyền thống khoa bảng và làng xã Cách Bi trong lịch sử.
Các đạo sắc phong do các Vua ban tặng.
Đình Cách Bi đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 1626/QĐ-UBND ngày 21/12/2012.