GIỚI THIỆU Một số điểm mới, nổi bật trong Luật Thanh tra năm 2022
Ngày 14/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 thay thế Luật Thanh tra số 56/2010/QH1.
I. VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT
1. Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phố biến Luật Thanh tra
- Triển khai thực hiện Luật, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch số 2348/KH-TTCP ngày 30/12/2022 triển khai thi hành Luật Thanh tra trong đó giao nhiệm vụ cho các đơn vị của Thanh tra Chính phủ tiến hành:
+ Tuyên truyền, quán triệt, phổ biến những nội dung mới của Luật; chỉ đạo biên soạn, xuất bản sách giới thiệu những điểm mới của Luật Thanh tra; xây dựng tài liệu giới thiệu Luật Thanh tra 2022 để đăng tải trên Công thông tin của Thanh tra Chính phủ và Bộ Tư pháp. Báo Thanh tra, Tạp chí thanh tra và Cổng thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ cũng tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến những quy định mới của Luật Thanh tra năm 2022.
+ Xây dựng các văn bản quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật, theo đó: Tổng Thanh tra Chính phủ và các Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đã rất quan tâm chỉ đạo xây dựng các văn bản quy định chi tiết Luật. Kết quả đạt được cụ thể là:
- Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.
- Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra đã được Chính phủ thông qua (Nghị định số 43/2023/NĐ-CP) quy định cụ thể về Thanh tra viên; Thanh tra lại; Đoàn thanh tra, giám định, phong tỏa tài khoản, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát trong hoạt động thanh tra; công khai kết luận thanh tra, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra; giải quyết kiến nghị, phản ánh về hoạt động thanh tra; giải quyết kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra; xử lý vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra; tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ.
- Nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, quy định cụ thể về Thanh tra cơ yếu, Thanh tra bảo hiểm xã hội Việt nam; Thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ; Thanh tra sở; cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành… Hiện nay, dự thảo Nghị định đang được các Thành viên Chính phủ cho ý kiến, sau đó Thanh tra Chính phủ tiếp thu và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
- Thanh tra Chính phủ đang khẩn trương tổng kết thực tiễn để tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ 02 chỉ thị: (1) Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ; (2) Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ thay thế Chỉ thị số 20/CT-TTg về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
- Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo rà soát và điều chỉnh Kế hoạch xây dựng thể chế để sửa đổi các Thông tư hướng dẫn thực hiện các quy định Luật Thanh tra và Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Thanh tra như Thông tư quy định việc xây dựng, phê duyệt Định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra; Thông tư quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; Thông tư quy định về chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; Thông tư quy định về Thẻ thanh tra và trang phục ngành thanh tra; Thông tư quy định về Nhật ký Đoàn thanh tra và các biểu mẫu trong hoạt động thanh tra…
II. MỘT SỐ LƯU Ý TRONG VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT THANH TRA NĂM 2022
Luật Thanh tra 2022 có nhiều nội dung mới về tổ chức và hoạt động thanh tra. Tài liệu hướng dẫn, tuyên truyền Luật, Thanh tra Chính phủ đã đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ và của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, Quá trình tổ chức thực hiện Luật Thanh tra Thanh tra các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý một số vấn đề sau:
1. Về việc xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra
Luật Thanh tra 2010 quy định Thanh Chính phủ ban hành Kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Thanh Bộ, Thanh tra tỉnh, thanh tra sở, thanh tra huyện trình thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp phê duyệt kế hoạch thanh tra. Luật Thanh tra 2022 có quy định mới, Kế hoạch thanh tra của Bộ do Bộ trưởng ban hành bao gồm kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ và Thanh tra Tổng cục, Cục; Kế hoạch thanh tra của tỉnh bao gồm kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở và Thanh tra huyện.
Luật Thanh tra 2022 không quy định thẩm quyền của Thanh tra bộ thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước do Bộ trưởng quyết định thành lập; Thanh tra tỉnh thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập. Bên cạnh đó, Luật cũng bỏ quy định về thanh tra thường xuyên. Do đó, trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh cần lưu ý nội dung này.
2. Về hoạt động thanh tra
Về cơ bản trình tự, thủ tục thanh tra chúng ta đã luật hóa các quy định trước đây được quy định tại các Nghị định và Thông tư hướng dẫn nghiệp vụ, tuy nhiên có một số điểm mới Thanh tra các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý:
- Về thẩm quyền thanh tra, theo Luật mới thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra chỉ có Thủ trưởng cơ quan thanh tra. Như vậy, từ 1/7/2023 Thanh tra các bộ không được tham mưu để Bộ trưởng ban hành Quyết định thanh tra, Thanh tra các tỉnh, các sở, các huyện không được tham mưu để Chủ tịch tỉnh, Giám đốc sở, Chủ tịch huyện ký quyết định thanh tra,
- Về thời hạn thanh tra, Luật có quy định mới rõ hơn về thời hạn thanh tra, bổ sung quy định về gia hạn thời hạn thanh tra (Điều 48), tạm dừng cuộc thanh tra (Điều 70), đình chỉ cuộc thanh tra (Điều 71).
- Luật và Nghị định 43 quy định chỉ có thanh tra viên mới được làm Trưởng đoàn thanh tra, Phó trưởng Đoàn thanh tra. Luật cũng có quy định mới về thẩm quyền của Thành viên đoàn là Thanh tra viên trong việc yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin tài liệu, báo cáo, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
Luật quy định trình tự, thủ tục riêng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành tại Điều 49 và 50. Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra bao gồm các bước: Chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra trực tiếp và kết thúc cuộc thanh tra. Bên cạnh đó, để đảm bảo hoạt động thanh tra được linh hoạt, phù hợp với đặc điểm và yêu cầu công tác của từng ngành, lĩnh vực, Điều 50 Luật thanh tra quy định:
- Trường hợp luật khác có quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành khác với quy định tại Luật này thì thực hiện theo quy định của luật đó.
- Trường hợp để đáp ứng yêu cầu quản lý đặc thù của ngành, lĩnh vực, theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chính phủ quy định trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành khác với quy định tại Luật này nhưng phải bảo đảm có tối thiểu các thủ tục về ban hành quyết định thanh tra, công bố quyết định thanh tra, tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu, ban hành kết luận thanh tra, công khai kết luận thanh tra.
3. Về việc xây dựng, ban hành kết luận thanh tra
Một trong những điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022 là việc quy định một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra (khoản 3 Điều 78).
- Thời hạn xây dựng báo cáo kết quả thanh tra và xây dựng dự thảo kết luận thanh tra: theo Luật cũ, thì chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải có văn bản báo cáo kết quả thanh tra và gửi tới người ra quyết định thanh tra. Chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ra văn bản kết luận thanh tra
Luật thanh tra năm 2022 đã kéo dài thời hạn xây dựng báo cáo kết quả thanh tra và xây dựng dự thảo kết luận thanh tra.
Theo tính toán, cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành từ khi công bố đến khi kết luận tối đa là 230 ngày dài hơn khá nhiều so với Luật cũ là 180 ngày (60+30+30+30+15+5+30+15+15 =230 ngày); Thanh tra bộ, tỉnh 155 ngày so với cũ là 100 ngày (45+30+20+10+5+20+10+15=155 ngày); Thanh tra sở, huyện 105 ngày so với cũ là 75 ngày. (30+15+15+5+5+15+5+15=105 ngày).
Trường hợp phải xin ý kiến Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thì thời hạn tối đa cộng thêm 60 ngày (30 ngày để thủ trưởng cho ý kiến, 30 ngày hoàn thiện kết luận để ký ban hành kết luận).
Vấn đề báo cáo trước khi ban hành kết luận thanh tra cũng được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 78: “Đối với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh hoặc có yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.
4. Về xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra
Chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước là một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của người dân và các doanh nghiệp. So với Luật thanh tra năm 2010, Luật thanh tra năm 2022 đã có những quy định mới để xử lý vấn đề này như sau:
Thứ nhất, xử lý chồng chéo từ khâu lập kế hoạch: nếu như trước kia việc lập kế hoạch còn mang tính riêng rẽ, độc lập thì nay kế hoạch thanh tra được tập trung về một đầu mối. Theo đó, kế hoạch thanh tra bao gồm: kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ, kế hoạch thanh tra của Bộ và kế hoạch thanh tra của tỉnh. Kế hoạch thanh tra của Bộ bao gồm: kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ, kế hoạch thanh tra của Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc bộ; kế hoạch thanh tra của tỉnh bao gồm: kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh, kế hoạch thanh tra của Thanh tra sở và kế hoạch thanh tra của Thanh tra huyện (Điều 45). Việc đưa về một đầu mối nhằm hạn chế tối đa sự trùng lặp trong hoạt động thanh tra.
Thứ hai, xử lý chồng chéo trong quá trình tiến hành hoạt động thanh tra: Luật đã quy định nguyên tắc xử lý chồng chéo trong nhiều trường hợp cụ thể giữa các cơ quan thanh tra theo hướng khi xảy ra chồng chéo thì có sự bàn bạc, trao đổi, nếu không thống nhất được thì cơ quan thanh tra cấp trên sẽ tiến hành thanh tra (Điều 55).
Thứ ba, xử lý chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước thông qua việc tăng cường phối hợp hoạt động, trao đổi thông tin từ khâu lập kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán đến quá trình tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán, việc tham khảo, sử dụng kết quả thanh tra, kiểm toán. Luật cũng đề cao vai trò và trách nhiệm của Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng kiểm toán nhà nước trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác phối hợp bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, hoạt động kiểm toán nhà nước, hạn chế tối đa sự chồng chéo, trùng lặp, gây ảnh hưởng cho hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra, kiểm toán (Từ Điều 107 đến Điều 109).
5. Về việc thu hồi tài sản
Luật quy định việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát có thể được thực hiện trước khi ban hành kết luận thanh tra. Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 cũng đã quy định cụ thể hóa một bước vấn đề này, theo đó trong quá trình tiến hành thanh tra, người ra quyết định thanh tra quyết định hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định thu hồi ngay tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật của đối tượng thanh tra gây ra khi có bằng chứng, chứng cứ rõ ràng về hành vi vi phạm hoặc đối tượng thanh tra thừa nhận hành vi vi phạm của mình hoặc chủ động nộp lại tài sản đã chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép. Việc xử lý tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật được xử lý như sau:
- Đối với tài sản là tiền được chuyển vào tài khoản tạm giữ của cơ quan thanh tra;
- Đối với tài sản là bất động sản thì yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi theo quy định của pháp luật có liên quan;
- Đối với tài sản là động sản và giấy tờ có giá trị thì căn cứ vào tình hình thực tế, người ra quyết định thanh tra giao cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và chuyên môn nghiệp vụ để quản lý;
- Đối với tài sản là hàng hóa có yêu cầu đặc biệt trong việc bảo quản thì giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện cơ sở vật chất và năng lực bảo quản hàng hóa có yêu cầu đặc biệt để quản lý.
Trong trường hợp chưa đủ điều kiện để thu hồi ngay, cơ quan thanh tra vẫn có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn để tránh việc tẩu tán, hợp thức hóa tài sản, bảo đảm cho việc thu hồi sau khi có kết luận thanh tra.