Quốc hội thảo luận tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

19/06/2024 19:14 View Count: 126

(BNP) - Chiều 18/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Anh Tuấn điều hành thảo luận tại tổ 13.

Thảo luận tại tổ 13, tham gia ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, tại khoản 1 Điều 23 chưa có quy định cụ thể về việc bắt buộc thành lập các hội, trong đó có hội dược. Việc thành lập hội dựa trên nhu cầu tự nguyện của tổ chức hoặc cá nhân. Hiện nay trên cả nước chỉ có hội dược sỹ Hà Nội và hội dược sỹ thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, dự thảo Luật quy định thành viên của hội dược tham gia hội đồng tư vấn cấp Chứng chỉ hành nghề dược chưa phù hợp với tình hình thực tế. Đề nghị Ban soạn thảo sửa lại khoản 1 Điều 23 này như sau: “Giám đốc Sở Y tế thành lập Hội đồng tư vấn cấp Chứng chỉ hành nghề dược có sự tham gia của đại diện hội về dược (nếu có) để tư vấn cho Giám đốc Sở Y tế trong việc cấp, cấp lại, thu hồi Chứng chỉ hành nghề dược”.

Đối với Luật Di sản văn hoá (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Vân tham gia ý kiến về chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể quy định tại Điều 13 dự thảo luật.

Theo đại biểu Trần Thị Vân, Luật Di sản văn hoá năm 2001 không quy định chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân. Đến năm 2009, tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá đã sửa đổi, bổ sung Điều 26 của Luật Di sản văn hoá năm 2001, trong đó khoản c, Điều 26 có quy định “Trợ cấp sinh hoạt hằng tháng và ưu đãi khác đối với nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn”; ngày 28/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, trong đó quy định về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Như vậy, đến thời điểm hiện nay đối với nghệ nhân mới có quy định về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.

Đại biểu Trần Thị Vân.

Trong quá trình triển khai Luật Di sản văn hoá và các văn bản hướng dẫn, Bắc Ninh đã tiên phong trên cả nước trong việc thực hiện một số nhiệm vụ, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận, đánh giá tích cực và được nhiều tỉnh, thành trong nước tham khảo, học hỏi kinh nghiệm để thực hiện. Tiêu biểu là chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hoá. Cụ thể, năm 2015 trên cơ sở cụ thể hóa các quy định hiện hành của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, tạo hiệu ứng tích cực trong đời sống xã hội về công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng và ban hành Nghị quyết số 213/2015/NQ-HĐND17 ngày 09/12/2015 quy định về chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể; hỗ trợ chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc tại Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh.

Theo đó, nghệ nhân được UBND tỉnh phong tặng được tặng tiền thưởng một lần bằng 07 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định. Đối với nghệ nhân trong loại hình di sản được UNESCO ghi danh được hưởng số tiền trợ cấp hàng tháng bằng 01 lần mức lương cơ sở, được hỗ trợ mức phí tham gia bảo hiểm y tế, chế độ mai táng phí... Nghệ nhân tỉnh Bắc Ninh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu được hưởng chế độ đãi ngộ của tỉnh Bắc Ninh với mức trợ cấp hàng tháng bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu đối với nghệ nhân ưu tú và 02 lần mức lương tối thiểu đối với nghệ nhân nhân dân và được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí...

Từ chính sách này, Bắc Ninh đã phần nào phát huy tài năng của các nghệ nhân và lan tỏa, gìn giữ giá trị văn hoá phi vật thể. Do vậy, đại biểu đồng tình với việc bổ sung quy định về chính sách đối với tất cả các nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể được quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 13.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà.

Đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, tại điểm d, khoản 1, Điều 13 dự thảo luật chưa đề cập đến chính sách hỗ trợ, trợ cấp đối với Nghệ nhân dân gian, trong khi đó Nghệ nhân dân gian là danh hiệu cao quý của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao cho những người có thành tích trong bảo tồn, phát huy những giá trị của văn hóa phi vật thể. Đó là những người có vai trò sáng tạo, sở hữu, bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa dân gian ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Ca trù, Quan họ, Hát Xoan, Chầu văn… Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung Nghệ nhân dân gian vào đối tượng hưởng chính sách đối với nghệ nhân và sửa lại điểm d, khoản 1, Điều 13.

Ngoài ra, cần quy định rõ mức được hưởng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng; đồng thời quy định cụ thể: chỉ hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế, đối với những người không hưởng lương hưu (hoặc đã được hưởng chính sách khác); đối với những người thuộc diện được hưởng nhiều chế độ hỗ trợ, trợ cấp sinh hoạt hàng tháng thì chỉ được hưởng một hỗ trợ, trợ cấp cao nhất.

Đồng tình với nội dung Tờ trình của Chính phủ và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Nguyễn Thị Hà cũng đề nghị Bộ Y tế nên cân nhắc bãi bỏ yêu cầu gia hạn giấy phép lưu hành, cụ thể cho thuốc không ghi nhận tác dụng phụ nghiêm trọng trong thời gian 5 năm kể từ khi được cấp giấy phép lưu hành, sẽ tiếp tục được gia hạn giấy phép lưu hành với thời hạn không xác định kể từ lần đầu gia hạn; quy định việc kê khai, kê khai lại giá thuốc bao gồm giá bán buôn và bán lẻ.

Đối với Luật Di sản văn hoá (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ 02 nhóm đối tượng và mức hỗ trợ đối với nghệ nhân là người đang hưởng lương và người không có lương. Đồng thời cần có một điều khoản quy định rõ về đối tượng, tiêu chí, nội dung, định mức chi tối thiểu (mức sàn) về chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể. Đây là cơ sở tham chiếu để HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Nghị quyết về nội dung này.

 

 

M.B

Source: https://bacninh.gov.vn