Độc đáo Bảo vật quốc gia - Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Bút Tháp

20/08/2024 07:40 View Count: 116

Chùa Bút Tháp nằm ở bên đê hữu ngạn sông Đuống, thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có tên chữ là “Ninh Phúc tự”, một ngôi cổ tự nổi tiếng bởi sự độc đáo về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử lâu đời, cũng như phong cảnh hữu tình thơ mộng.

Trong dân gian còn lưu truyền câu ca:

“Mênh mông biển lúa xanh rờn

Tháp cao sừng sững trăng rờn bóng cau

Một vùng phong cảnh trước sau

Bức tranh thiên cổ đượm màu nước non”

Tòa Cửu phẩm liên hoa được đặt chính giữa trong tòa Tích Thiện am

Chùa Bút Tháp có kiến trúc theo kiểu "nội công ngoại quốc" gồm các công trình: Tam quan, Gác chuông, Tam Bảo, Tích Thiện am, nhà khách, Phủ thờ, Hậu đường, hai dãy Hành lang, Nhà tổ đệ nhất… Đặc biệt chính giữa chùa là tòa Tích Thiện am, một trong những công trình có lối kiến trúc độc đáo của chùa Bút Tháp. Bên trong Tích Thiện am đặt tháp Cửu Phẩm Liên Hoa.

Tòa Cửu phẩm liên hoa

Hiện nay, cả nước chỉ còn 3 tòa Cửu phẩm Liên Hoa chất liệu gỗ có niên đại thế kỷ thứ XVII tại chùa Giám (Cẩm Giàng, Hải Dương), chùa Động Ngọ (Thanh Hà, Hải Dương) và chùa Bút Tháp (Bắc Ninh). Tòa Cửu phẩm Liên Hoa ở chùa Giám tuổi đời khoảng hơn 300 năm với đường nét hoa văn mềm mại mang đặc trưng kiến trúc thời Hậu Lê. Tòa Cửu phẩm Liên Hoa ở chùa Động Ngọ do thiền sư Chân Nguyên dựng vào mùa xuân năm Nhâm Thân (1692) thời vua Lê Hy Tông.

Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, cây tháp quay của chùa Bút Tháp được dựng từ thời Huyền Quang, tổ thứ 3 của phái Trúc Lâm (Trần Nhân Tông, Pháp Hoa, Huyền Quang). Tuy nhiên, cho tới nay, ngôi tháp của thời Trần không còn. Song, sự phát triển tín ngưỡng dân tộc qua lịch sử đã “nhào nặn” về cội nguồn của một cây “cửu phẩm liên hoa” rồi định niên đại ra đời vào thế kỷ XIV. Tòa Cửu phẩm Liên Hoa Chùa Bút Tháp, hiện nay được khởi dựng vào giữa thế kỷ XVII.  Mang trên mình hàng chục bức họa chạm khắc đa dạng, được cho là đạt đến mức hoàn hảo mang giá trị mỹ thuật cao, đây xứng đáng là một bảo vật tiêu biểu cho vùng đất Bắc Ninh giàu truyền thống văn hiến.

Các bức chạm khắc hoa tàng thế giới, Sa bà thế giới ở tầng một

Tháp Cửu phẩm liên hoa chùa Bút Tháp gồm 8 mặt 9 tầng. 8 mặt thể hiện 8 hướng của nhà Phật, 9 tầng thể hiện 9 kiếp tu hành của nhà Phật, tương đương 3 cấp chứng quả là Thượng phẩm vãng sinh, trung phẩm vãng sinh và hạ phẩm vãng sinh.

Trên tất cả các mặt của tòa cửu phẩm liên hoa có chạm các bức phù điêu về lịch sử Phật giáo như: Điểu thụ diễn pháp, Thất trùng bảo thụ, Hoa tạng thế giới, Sa bà thế giới, Thất bảo liên trì, Thích ca thuyết pháp, Kim địa lạc hoa, Tín thụ tác lễ, Thượng hữu lâu các

Tháp mang ý nghĩa cửu phẩm vãng sinh về thế giới cực lạc của đức Phật A Di Đà. Theo nghi thức Phật pháp Mật tông nguồn gốc Tây Tạng, tháp quay có mục đích nhân lời tụng lên nhiều lần (3.542.400 lần khi quay một vòng tháp), từ đó con người càng chóng chứng quả Phật pháp hơn.

Hình tượng Phật giáo trong các họa tiết điêu khắc được sơn son thiếp vàng.

Bên cạnh nhiều pho tượng Phật và các vị Bồ Tát, tám mặt của tháp có chạm những bức phù điêu liên quan đến tích nhà Phật, khuyến thiện trừ ác, hành trang các vị tổ, đại sư. Tầng một: Hoa tàng thế giới, Sa bà thế giới. Tầng hai: Anan kết tập, Di Đà thuyết pháp. Tầng ba: Tín thụ tác lễ, Cực lạc thế giới. Tầng bốn: Thiền sư, Lục tổ. Tầng năm - tầng tám: 8 vị Phật, tổng cộng 32 vị. Tầng chín: 4 tượng Di Đà và hai hàng chữ: Cửu phẩm liên hoa, A Di Dà Phật. Đục chạm tinh xảo, sắp xếp hoàn hảo người vật, cây Cửu phẩm chùa Bút Tháp là một trong ba cây ở Việt Nam, đều nằm trong địa bàn phát triển của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Bút Tháp Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ  ký Quyết định số 2283/QĐ-TTg, ngày 31/12/2020, về việc công nhận bảo vật quốc gia vào  năm 2020.

Chùa Bút Tháp là một ngôi chùa cổ có quy mô kiến trúc lớn của đồng bằng Bắc bộ còn đuợc bảo tồn khá nguyên vẹn đến ngày nay. Chùa Bút Tháp là đỉnh cao của một công trình kiến trúc nghệ thuật, tiêu biểu cho phong cách mỹ thuật thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII. Các cấu kiện kiến trúc được chạm khắc cùng hệ thống hiện vật phong phú, đa dạng… là những di sản văn hóa vô cùng quý giá của dân tộc ta.



 

Nguyễn Thị Thúy – Trung tâm bảo tồn di tích và xúc tiến du lịch