Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Bắc Ninh

08/12/2023 15:48 View Count: 778

Bắc Ninh - Kinh Bắc, là vùng đất cội nguồn dân tộc và văn hóa Việt Nam, nơi thờ Thủy tổ dân tộc Việt - Kinh Dương Vương, nơi phát tích vương triều Lý và nhiều danh nhân tiêu biểu và lãnh đạo cách mạng, tiền bối của Đảng, Nhà nước; nơi hội tụ kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đặc sắc, tiêu biểu là Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bắc Ninh hiện có 1.589 di tích (trong đó có 04 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 204 di tích xếp hạng quốc gia, 435 di tích xếp hạng cấp tỉnh); 17 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Hàng năm, Sở VHTT&DL tham mưu xây dựng Kế hoạch, báo cáo đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí tu bổ chống xuống cấp cho khoảng từ 50-70 di tích đã được Nhà nước xếp hạng.

Đặc biệt, để triển khai thực hiện nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn với phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm đưa văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2022 và 2023, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 71-NQ/TU ngày 29/8/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XX) Về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững bằng việc ban hành Kế hoạch số 581/KH-UBND ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh. Trong đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, các đề án, kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị và lộ trình thực hiện cụ thể.

Với sự quyết tâm quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã gặt hái được những kết quả nổi bật về nhiệm vụ này, như:

- Về cơ chế chính sách:

+ HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 16/NQ- HĐND ngày 05/10/2023 Quy định hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với làng Quan họ gốc; làng Quan họ thực hành; các câu lạc bộ loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống tỉnh Bắc Ninh; các câu lạc bộ Dân ca Quan họ Bắc Ninh ngoài tỉnh; Nghị quyết về việc đặt tên đường, phố tại thị xã Quế Võ, tên cầu vượt sông Đuống - cầu Kinh Dương Vương;

+ UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản như: Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, phường, thị trấn; Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; Kế hoạch tổ chức trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tại một số điểm du lịch; Quy chế quản lý điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; Đề án thiết kế, sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch từ giá trị Di sản văn hóa và các Bảo vật Quốc gia tỉnh Bắc Ninh; thành lập Trung tâm Bảo tồn di tích và Xúc tiến Du lịch tỉnh Bắc Ninh.

- Về tổ chức các sự kiện quảng bá văn hoá:

+ Sự kiện Festival “Về miền Quan họ - 2023” với gần 30 hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phong phú, hấp dẫn, thu hút một lượng lớn du khách trong nước và quốc tế về với Bắc Ninh;

+ Triển khai thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao văn hóa, đối ngoại văn hóa nhằm quảng bá vùng đất, văn hóa, con người, du lịch, chính sách đầu tư, môi trường văn hóa của tỉnh Bắc Ninh đến một số cơ quan, tổ chức quốc tế, các địa phương, doanh nghiệp của các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc... và đông đảo du khách và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973-21/9/2023) nổi bật là chương trình nghệ thuật “Sắc mầu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản”.

Bên cạnh đó, ngành Văn hoá đã nỗ lực với nhiều hoạt động thiết thực nhằm quảng bá bảo tồn phát huy giá trị văn hoá như phối hợp với các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể phát triển Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn các địa phương đăng ký xây dựng 72 Mô hình điểm Khu dân cư văn hóa tiêu biểu ở cả 8/8 huyện, thị xã, thành phố; nghiên cứu các giái pháp phát triển thị trường du lịch trọng điểm tỉnh Bắc Ninh; cung cấp thông tin, phối hợp tích cực với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh; triển khai thực hiện công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.  

Có thể khẳng định công tác quản lý nhà nước về văn hóa thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng; góp phần khẳng định vị thế, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù vậy, sự phát triển văn hoá, con người Bắc Ninh còn những khó khăn như: việc khai thác, phát huy tiềm năng, giá trị các di sản văn hoá vào phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp văn hoá và thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Một số cấp uỷ đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người đối với phát triển bền vững. Quản lý nhà nước về văn hóa chưa có bước đột phá rõ rệt và mang tính sáng tạo. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người có lúc chưa kịp thời. Cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực cho phát triển văn hoá, con người chưa đồng bộ, kinh phí đầu tư còn dàn trải, chưa tương xứng với nhiệm vụ phát triển văn hoá.

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Bắc Ninh, tôi xin đề xuất một số giải pháp trọng tâm:

Thứ Nhất, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ đối với các di sản văn hóa. Xây dựng cơ chế hợp tác, chung tay giữa cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó cần chú ý đến lợi ích của cộng đồng, người dân, phân định rõ trách nhiệm của từng cấp ngành, địa phương để chủ động xây dựng kế hoạch, phương án huy động nguồn lực bảo tồn di sản.

Thứ Hai, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cơ chế, chính sách của tỉnh về phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn. Có chính sách đặc thù đối với các di sản văn hóa tiêu biểu và những di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một. Quan tâm xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để tăng hiệu quả quản lý di sản văn hóa. Cùng với đó, thực hiện phân cấp quản lý di sản văn hóa nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước về bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Thứ Ba, tăng cường đầu tư nguồn vốn (nguồn vốn của Nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa) và nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ trưng bày, triển lãm di sản văn hóa tại di tích, bảo tàng, số hóa hiện vật, tài liệu, di sản văn hóa phục vụ nhu cầu trải nghiệm, khám phá của du khách tại bảo tàng và các di tích. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thiết chế Nhà chứa (nhà thực hành) Quan họ tạo không gian sinh hoạt văn hóa quan họ và truyền dạy di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Đầu tư các trung tâm bảo tồn di sản có quy mô lớn, tạo không gian vừa thực hành, vừa khai thác được các giá trị của di sản phục vụ phát triển kinh tế của địa phương.

Thứ Tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực, nâng cao trình độ về chuyên môn, cập nhật tiếp thu kiến thức mới áp dụng vào việc quản lý di sản văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Định kỳ tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật liên quan cho cán bộ cơ sở, các ban quản lý di tích địa phương và những người trực tiếp tham gia trông coi, bảo vệ di tích. Tăng cường kiểm tra hiện trạng các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra sai phạm.

Thứ Năm, tăng cường mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế giữa văn hóa Bắc Ninh với các nền văn hóa khác trên thế giới, khuyến khích việc học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Xây dựng mạng lưới cộng tác giữa các tổ chức, cộng đồng địa phương, chính quyền và các chuyên gia để chia sẻ kiến thức, kỹ thuật và tài nguyên trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Tham mưu, tổ chức phong phú hoạt động giao lưu văn hóa như hội chợ, triển lãm, hội thảo để tạo cơ hội gặp gỡ và trao đổi giữa các cộng đồng văn hóa.

Thứ Sáu, đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Gắn kết giữa công nghệ số với phát triển du lịch thông minh, chú trọng sáng tạo nội dung quảng bá giá trị di sản văn hóa trên các nền tảng công nghệ số nhằm lan tỏa, đưa di sản văn hóa Bắc Ninh đến gần hơn với công chúng trong nước và quốc tế. Có chiến lược, kế hoạch dài hạn để tuyên truyền, quảng bá du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa ở phạm vi quy mô lớn với chất lượng và hiệu quả cao hơn.

Trên đây là một vài đề xuất nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Song cần phải nhấn mạnh rằng nhiệm vụ này không phải của riêng ngành văn hóa mà là trách nhiệm chung của tất cả các cấp ủy, chính quyền và cộng đồng nhân dân các địa phương. Do đó, để bảo tồn và phát huy hiệu quả nguồn lực di sản văn hóa đồ sộ của Bắc Ninh đòi hỏi phải có chiến lược tổng quan, lâu dài và phải được nghiên cứu rất kỹ lưỡng, đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa.

Nguyễn Văn Ảnh (Phó Giám đốc Sở VHTTDL)