Bắc Ninh lấy lại đà tăng trưởng du lịch

16/03/2023 13:20 Số lượt xem: 915

DIENDANDOANHNGHIEP.VN Là tỉnh có tốc độ phát triển bậc nhất cả nước, song, du lịch Bắc Ninh vẫn được coi là phát triển chậm hơn tốc độ phát triển chung, chưa tương xứng với tiềm năng di sản sẵn có của địa phương này.

Trên cơ sở đó, tỉnh Bắc Ninh xác định, muốn phát triển du lịch phải tạo sức sống cho di sản văn hóa, xây dựng hạ tầng du lịch đi trước một bước; đồng thời, nêu cao vai trò của cộng đồng dân cư trong việc phát triển du lịch cộng đồng.

Tiền đề phát triển

Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch), với danh xưng “Kinh Bắc”, Bắc Ninh có mật độ di tích dày đặc, là một trong những tỉnh có số lượng di tích nhiều nhất cả nước. Do đó, Bắc Ninh là địa phương có tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú, nhiều tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt như: Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; cảnh quan núi Dạm, núi Thiên Thai; hệ thống sông hồ (sông Đuống, sông Cầu); nhiều di tích lịch sử, văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử và giá trị tâm linh như chùa Dâu, chùa Phật Tích, đền Đô, đình Đình Bảng…; các lễ hội truyền thống như lễ hội đền Bà Chúa Kho, lễ hội Lim; các làng nghề tranh Đông Hồ, gốm Phù Lãng, gỗ Đồng Kỵ, đồng Đại Bái. Đặc biệt, nơi đây lưu giữ và mang giá trị cội nguồn của lịch sử văn hóa Việt Nam, khát quát ở 7 chữ ”Tổ”: Tổ đình Phật giáo Việt Nam, Thủy Tổ Kinh Dương Vương, Tổ quân khí Cao Lỗ Vương, Thủy Tổ Quan Họ, Nam Giao học Tổ - Sỹ Nhiếp, Vua Lý Thái Tổ, Tam Tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - Thiền sư Huyền Quang.

Làng quan họ thành phố Từ Sơn – nét đẹp văn hóa phi vật thể

Do đó, theo PGS.TS Phạm Trung Lương, hàng năm, Bắc Ninh đón một lượng khách du lịch lớn đến tham quan, tìm hiểu. Thời gian gần đây, nhu cầu của khách du lịch đang có xu hướng mở rộng thêm về tìm hiểu và thưởng thức di sản Dân ca Quan họ, khách công vụ, hội nghị, hội thảo, nghiên cứu thị trường kinh doanh, mở rộng đầu tư, tìm kiếm đối tác kết hợp thăm thân…

Tuy nhiên, thẳng thắn thừa nhận, khách du lịch nội địa vẫn là lượng khách chủ yếu của tỉnh, trung bình hàng năm chiếm 95,6% tổng lượng khách đến. Theo loại hình du lịch, 80% lượng khách du lịch văn hóa, chủ yếu là khách lễ hội, thăm quan các di tích lịch sử văn hóa đình, đền, chùa… Thời gian lưu trú tương đối ngắn, trung bình chỉ khoảng 1-1,2 ngày... Nguyên nhân một phần là do Bắc Ninh có vị trí địa lý gần với trung tâm kinh tế chính trị lớn như Thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, vì vậy khách thường chỉ đến thăm quan các điểm di tích tại Bắc Ninh, sau đó di chuyển đến các trung tâm dich vụ lớn để lưu trú.

Khách quốc tế tham quan làng tranh dân gian Đông Hồ (Thị xã Thuận Thành).

Ảnh: Báo Bắc Ninh

Theo thống kê, mức đóng góp cho GRDP từ du lịch Bắc Ninh chỉ vào khoảng 2,24% so với tổng GRDP khu vực dịch vụ. Tổng doanh thu du lịch năm 2022 đạt 830 tỷ đồng với khoảng 1,2 triệu lượt khách. Đây là con số ấn tượng, tuy nhiên vẫn là “khiêm tốn” so với một số địa phương có tiềm năng du lịch khác như: Thái Nguyên (2,1 triệu lượt khách, doanh thu 1.800 tỷ đồng), Hà Nam (3 triệu lượt khách, doanh thu 2.152 tỷ đồng), Hà Giang (2,2 triệu lượt khách, doanh thu 4.300 tỷ đồng), Quảng Ninh (11,6 triệu lượt khách, doanh thu 25.712 tỷ đồng),…

Lấy lại đà tăng trưởng

Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho rằng, trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, nhu cầu du lịch toàn cầu tiếp tục tăng cùng với sự chuyển dịch của dòng khách du lịch quốc tế đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ mở ra những cơ hội thuận lợi cho phát triển du lịch của các nước ở khu vực này, trong đó có Việt Nam. Xu hướng khách ngày càng quan tâm tới nhu cầu trải nghiệm hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống mang tính khác biệt, đặc sắc, nguyên bản và giá trị tự nhiên mang tính nguyên sơ, độc đáo, giá trị sáng tạo và công nghệ cao mang tính hiện đại, tiện nghi.

Quan điểm về vai trò du lịch Bắc Ninh trong phát triển kinh tế - xã hội đã được xác định rất rõ trong Đại hội Đảng Bộ Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp những năm qua đã tạo ra hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối phát triển và thu hút đông đảo đội ngũ chuyên gia, lao động trong và ngoài nước đến, làm việc và sinh sống tại tỉnh. Điều này thúc đẩy phát triển các dịch vụ phục vụ như lưu trú, ăn uống, giải trí, vui chơi cuối tuần. Đặc biệt tạo cơ hội thu hút các nhà đầu tư bất động sản để hình thành các đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng và mua sắm... Đây là nguồn cung khách du lịch tại chỗ quan trọng để tạo đà cho du lịch tỉnh.

Bên cạnh đó, tính đa dạng về tài nguyên du lịch văn hóa gắn với các di tích lịch sử, lễ hội và nghề truyền thống sẽ tạo cho du lịch Bắc Ninh có được sức hấp dẫn riêng, là yếu tố quan trọng đối với phát triển du lịch Bắc Ninh trong bối cảnh hiện nay của du lịch Việt Nam, ông Hùng cho hay.

Do đó, tỉnh Bắc Ninh đặt ra mục tiêu cụ thể để du lịch lấy lại đà tăng trưởng, trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH chung. Mục tiêu đến năm 2025, Bắc Ninh sẽ đón và phục vụ từ 2 đến 2,5 triệu lượt khách du lịch. Tổng thu du lịch đạt khoảng 2.000 tỷ đồng; có trên 20.000 lao động trong ngành du lịch. Đến năm 2030, tỉnh sẽ đón và phục vụ trên 5 triệu lượt khách du lịch với tổng thu đạt khoảng 4.500 tỷ đồng, trên 25.000 lao động trong ngành du lịch, trong đó tỉ lệ lao động đã qua đào tạo đạt mức 85%. Cũng theo mục tiêu này, Bắc Ninh sẽ hoàn thiện hệ thống tour du lịch, điểm du lịch; công nhận ít nhất 02 khu du lịch địa phương; đầu tư phát triển từ 1-2 mô hình du lịch cộng đồng từ các làng Quan họ, làng nghề truyền thống. Đồng thời, hoàn thành cơ sở dữ liệu văn hóa của tỉnh, phát triển được từ 1 - 2 sản phẩm du lịch “ảo”, du lịch “3D”…

Ưu đãi thu hút đầu tư phát triển du lịch

Tỉnh Bắc Ninh khuyến khích và có nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái, khu công viên văn hóa có các hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí...

Đồng thời, tỉnh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp về vận tải khách du lịch, đầu tư tuyến xe bus kết nối các điểm du lịch; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đưa du khách về tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục có chính sách đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ, đầu tư bảo tồn và phát triển các giá trị di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào các tuyến điểm tham quan du lịch; khuyến khích phát triển các hoạt động nghiên cứu - phát triển - sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới nhằm khuyến khích trí tuệ sáng tạo toàn xã hội, tạo sản phẩm du lịch bền vững của tỉnh Bắc Ninh.

Đối với phát triển du lịch cộng đồng, Bắc Ninh sẽ xây dựng quy định hỗ trợ, khuyến khích phát triển loại hình du lịch cộng đồng ở các làng Quan họ gốc, các làng nghề truyền thống, các vùng sinh thái nông thôn... Trong đó, chú trọng xây dựng hạ tầng du lịch cộng đồng (hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị cho mô hình nhà lưu trú tại gia (homestay) và trang bị những hạng mục cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu trú tối thiểu theo quy định ở các địa phương thực hiện phát triển du lịch cộng đồng); xây dựng các nhà vệ sinh công cộng; các điểm/nhà trưng bày và bán sản phẩm của bà con nhân dân tại các điểm du lịch cộng đồng trọng điểm; tổ chức đào tạo, tập huấn, hội thảo cho cộng đồng tham gia phát triển du lịch và các lớp nâng cao nhận thức về du lịch, ngoại ngữ cho cộng đồng dân cư tại các khu, điểm du lịch. 

Với hạ tầng kết nối điểm du lịch, tỉnh tập trung xây dựng các “con đường du lịch” để gia tăng giá trị chuỗi du lịch liên hoàn; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ tuyến du lịch đường sông; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực Văn hóa - Du lịch.

Xúc tiến du lịch, phát triển thị trường

Ông Nguyễn Xuân Côn, Trưởng phòng Quản lý du lịch - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh cho biết, nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường du lịch, Bắc Ninh tổ chức quảng bá di sản, du lịch tại các nước tiêu biểu có vốn đầu tư FDI của tỉnh như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu...

Đồng thời, tổ chức tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị, hội thảo, diễn đàn, phát động thị trường du lịch,... trên các lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, các cơ quan Trung ương và tổ chức du lịch quốc tế tổ chức.

Cùng với đó, mở rộng giao lưu, kết nối, hợp tác thông qua ngoại giao văn hóa, du lịch với các cơ quan, tổ chức quốc tế như: Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO); Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF); Tổ chức xúc tiến du lịch các thành phố châu Á - Thái Bình Dương (TPO).

Liên kết phát triển du lịch với một số địa phương trong các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc. Chủ động và tích cực phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao, đối tác nước ngoài có quan hệ hợp tác với tỉnh, đẩy mạnh hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch quốc tế và các hoạt động giao lưu văn hóa ở nước ngoài, nhằm thu hút khách quốc tế đến tham quan du lịch.

Ông Nguyễn Xuân Côn cho rằng, thời gian qua, Bắc Ninh đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm lấy lại đà tăng trưởng du lịch, tiếp tục khẳng định hình ảnh điểm đến an toàn, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch.

Các doanh nghiệp, các điểm du lịch triển khai thực hiện tốt các quy định về đảm bảo an ninh, an toàn; đầu tư mới, nâng cấp, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ khách. Là địa phương có số lượng lớn tập đoàn, doanh nghiệp uy tín, các chuyên gia trong nước và nước ngoài đến đầu tư, làm việc tại các KCN, đây được coi là lợi thế phát triển du lịch. Vì vậy, Bắc Ninh đang chú trọng phát triển sản phẩm du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác…) vừa đem lại nguồn thu ổn định cho doanh nghiệp vừa quảng bá được hình ảnh Bắc Ninh thân thiện, an toàn, phát triển.

Bên cạnh đó, phát triển tốt khả năng sẵn sàng đón lượng khách lớn đến từ các địa phương lân cận như thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh…

Bằng nhiều giải pháp, hoạt động kích cầu du lịch cũng như sự liên kết xúc tiến, đổi mới cách làm du lịch, tin rằng, ngành du lịch Bắc Ninh sẽ từng bước lấy lại đà tăng trưởng, phát triển trở thành điểm đến du lịch văn hóa tâm linh an toàn, thân thiện với du khách, ông Côn chia sẻ.

Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn