Gương sáng gia đình văn hóa tiểu biểu tỉnh Bắc Ninh năm 2019

28/06/2019 12:30 Số lượt xem: 775

Chuẩn mực của một xã hội tốt đẹp khi xã hội ấy có nhiều mái ấm gia đình hạnh phúc. Tình yêu thương, gắn kết tình cảm gia đình là nền tảng bền vững, là điểm tựa, tạo sự lan tỏa những điều tốt đẹp nhất tới dòng tộc, họ hàng, thôn xóm, cộng đồng và xã hội. Những giá trị quý báu của Gia đình Việt Nam như truyền thống yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung hiếu nghĩa hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách được gia đình giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Giá trị ấy được vun đắp theo chiều dài lịch sử đất nước và trở thành hạt nhân quan trọng góp phần hình thành bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhân Ngày gia đình Việt Nam (28/6) năm 2019, xin chia sẻ đến quý độc giả Bài chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng gia đình Hiếu học, hạnh phúc, tiến bộ của Gia đình Ông: Nguyễn Xuân Hiểu, Xóm Đình, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, là Gia đình văn hóa tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh, được Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng giấy khen nhân Ngày hội gia đình hạnh phúc năm 2019.

Ông Nguyễn Xuân Hiểu đại diện cho các gia đình đạt thành tích “Gia đình văn hóa tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh”
 phát biểu, chia sẻ tại Ngày Hội Gia đình hạnh phúc năm 2019

Sau đây xin trích nguyên văn bài Phát biểu:

    “Kính gửi thưa quý vị đại biểu!
    Thưa đông hội!
    Rất vinh dự cho gia đình tôi được về dự Ngày hội gia đình hạnh phúc tỉnh Bắc Ninh và được Ban tổ chức cho phép chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng gia đình hiếu học, hạnh phúc, tiến bộ.
    Lời đầu tiên, xin kính chúc toàn thể quý vị đại biểu lời chào, lời chúc sức khỏe, gia đình hạnh phúc.
    Kính thưa đông hội.
    Tên tôi là: NGUYỄN XUÂN HIỂU
    Quê quán: Xóm Đình, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
    Bản thân tôi, sinh ra và lớn lên trên một miền quê đất trật, người đông, nghề nghiệp chủ yếu là làm ruộng, tôi được bố mẹ nuôi ăn học trong những năm còn bao cấp kinh tế khó khăn, thiếu thốn. Năm 1978 khi đang học cấp 3 nghe theo tiếng gọi Tổ quốc tôi lên đường nhập ngũ, đến năm 1982 tôi được quân đội cho xuất ngũ trở về địa phương.
    Năm 1983 tôi xây dựng gia đình, năm 1984 vợ chồng tôi sinh con trai đầu lòng, năm 1986 sinh cháu trai thứ hai.
    Nhận thức sâu sắc về chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, vợ chồng tôi bàn bạc chỉ sinh 2 con để nuôi dạy hai con ăn học cho thật tốt.
    Chúng tôi thường xuyên quan tâm, động viên, hỗ trợ các cháu phấn đấu trong học tập. Cả hai cháu học đến lớp 3 Trường tiểu học xã Mão Điền đều thi đỗ trường chất lượng cao của huyện để học. Mặc dù các cháu còn quá nhỏ, trường lại cách xa nhà đến 6km, chúng tôi rất vui, song biết để nuôi con thành đạt vợ chồng sẽ không quản vất vả. Chúng tôi dành thời gian đưa đón các cháu đi học xa mấy năm liền trong điều kiện cần phải lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Hồi đó đi học lại còn phải mang cơm trưa để ăn chứ không có nhà trường tổ chức cho các cháu ăn như hiện nay. Những hôm trời mưa to, gió rét, đến giờ đi học bố con lại phải cơm áo sách vở ra đi, nghĩ mà khổ. Nhưng trời đâu có phụ lòng ai, những năm các cháu học Tiểu học thì bố mẹ đưa đón, sau đó các cháu lên cấp 2, cấp 3 bố mẹ luôn luôn truyền động lực để các cháu học tập chăm chỉ, các cháu tự đạp xe đi học. Suốt thời gian các cháu đi học các cấp năm nào các cháu cũng đạt học sinh giỏi, ngoan lễ phép được các thầy cô giáo, bạn bè quý mến. Các cháu luôn nhận được các phần thưởng của nhà trường các cấp, của Hội khuyến học xã Mão Điền, của Gia tộc họ Nguyễn Xuân khen thưởng. Tuy phần thưởng không lớn nhưng đã cổ vũ, động viên tinh thần ý thức kết quả học tập của các cháu, làm cơ sở động lực cho các cháu có ý thức tốt hơn nữa trong học tập.
    Năm học 2002 cháu lớn thi đỗ vào Học viện Kỹ thuật Quân sự với số điểm cao, được Học viện gửi sang Đại học Bách khoa học tập. Sau 1 năm học tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, với kết quả học tập đạt loại giỏi, cháu được Bộ Quốc phòng lựa chọn để đi du học tại nước Nga. Trong khoảng thời hơn 10 năm tại Nga, cháu đã học đại học và cao học tại trường Đại học Vật lý kỹ thuật Matsxcơva và làm nghiên cứu sinh tại Đại học Hàng không Matsxcơva và bảo vệ thành công Học vị Tiến sĩ.
    Năm học 2004 cháu bé thi đỗ vào Học viện Phòng không Không quân cũng với số điểm cao. Sau gần 2 năm học tập và rèn luyện tại trường, với kết quả học tập tốt cháu cũng đã được nhà trường và Bộ Quốc phòng lựa chọn để đi du học tại Nga. Cháu đã học đại học, cao học và nghiên cứu sinh chuyên ngành Vật liệu tại Đại học Bách khoa Tomsk trong 10 năm liên tục và bảo vệ thành công Học vị Tiến sĩ.
    Thời gian thấm thoắt rồi cũng trôi qua, đến năm 2013 cháu lớn về nước và được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì đã có kết quả cao trong thời gian học tập và nghiên cứu tại Nga. Hiện nay cháu là giảng viên tại Học viện Kỹ thuật Quân sự với Quân hàm Thiếu tá.
    Cháu bé, năm 2016 sau khi bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Vật liệu cháu về nước nhận công tác, cháu được Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel tiếp nhận. Hiện nay cháu đang công tác tại Viện hàng không vũ trụ Viettel với Quân hàm Đại úy.
    Hiện nay cả 2 con của chúng tôi đều đã xây dựng gia đình, vợ, chồng hạnh phúc, con cái tiếp nối truyền thống hiếu học của gia đình.
    Các cháu có được kết quả học tập, công tác trên phải kể đến công lao dạy bảo của các thầy, cô giáo các cấp, với sự quan tâm tạo điều kiện của gia đình, của xã hội, của phong trào khuyến học các cấp tại địa phương, cộng với tinh thần ý thức quyết tâm cao của các cháu trong học tập, quyết học để làm người, học để lập nghiệp, học vì một ngày mai tươi sáng.
    Trong thời gian hai cháu nhà tôi đi du học, mặc dù điều kiện kinh tế gia đình còn rất nhiều khó khăn vì cả hai vợ chồng đều chỉ làm nông nghiệp, song với tinh thần cố gắng quyết tâm cao của bản thân, phát huy truyền thống hiếu học của gia đình, dòng họ và quê hương (Bố tôi cũng là một nhà giáo, hiệu trưởng trường làng đã nghỉ hưu). Quyết không để lạc hậu với thời cuộc, năm 2012 bản thân tôi đã tiếp tục thi và học khóa học tại chức tại trường Đại học Kinh tế và quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên. Đầu năm 2017 tôi đã nhận được bằng Cử nhân chuyên ngành Quản lý kinh tế. Hiện nay tôi được tổ chức phân công, được đại hội đại biểu Hội nông dân xã Mão Điền bầu là Chủ tịch Hội nông dân xã kiêm trưởng thôn 2 xã Mão Điền.
     Tôi nhận thấy việc khuyến học muốn đạt kết quả cao và có chiều sâu từ gia đình đến xã hội liên hệ với gia đình tôi, thì yếu tố gia đình vẫn là một điểm rất quan trọng. Cần phải tạo điều kiện cho các cháu có ý thức học tập ngay từ lớp nhỏ, bố mẹ thực sự phải là tấm gương sáng trên mọi mặt để các cháu noi theo. Bố mẹ cần giành thời gian nhiều cho các cháu, quan tâm tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu trong cuộc sống hằng ngày, từ miếng ăn, giấc ngủ đến những thứ nhỏ nhặt như đồ dùng học tập, góc học tập v.v… Bố mẹ phải biết nêu lên các tấm gương thành đạt, có cuộc sống tốt xuất phát từ việc học tập tốt, xây dựng cho các cháu một ý thức, một mục tiêu trong học tập.
    Quá trình đầu tư nuôi dạy con ăn học thành người, tôi cảm nhận đây là một niềm vui trọn vẹn, đúng như các cụ thường nói: Con cái là của để dành. Từ thành quả của vợ chồng và các con cháu của chúng tôi, tôi cảm nhận thấy gia đình mình đã thật sự là một gia đình hạnh phúc. Mong muốn chia sẻ với các gia đình và đông hội, một số kinh nghiệm của gia đình tôi như sau:
    1. Muốn đạt được tiêu chí “Gia đình học tập” phải xác định được mục tiêu học tập cho cả gia đình là: “Học để làm người”.
    2. Muốn có kết quả cao trong học tập, gia đình phải quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện cho các con từ khi còn nhỏ, từ khi bắt đầu bước chân tới nhà trường.
    3. Phải động viên, khuyến khích các cháu học chăm, phấn đấu vươn lên học khá, học giỏi. Có các hình thức khen thưởng, khuyến học, khuyến tài để động viên khích lệ các cháu học tập.
    Cuối cùng xin trân trọng kính chúc các đồng chí lãnh đạo, các quý vị đại biểu mạnh khỏe và thành công.
    Xin trân trọng cảm ơn./.”

 

 

 

Nguyễn Thị Huyền - Sở VHTTDL