Di tích lịch sử chùa Hồng Ân

23/08/2024 10:45 Số lượt xem: 51

Chùa Hông Ân, còn gọi là chùa Bình Than, nằm ở phía đông làng Bình Than, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, ngay bên bờ Hữu Đuống đoạn hợp lưu Lục Đầu giang.  

Cổng dẫn vào chùa Hồng Ân.

Chùa Hồng Ân được xây dựng từ thời Lê, đến thời Nguyễn, chùa được trùng tu tôn tạo lớn. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp chùa bị phá phần thượng điện. Hòa bình lập lại, nhân dân địa phương tu sửa tòa Thiêu hương thành Thượng điện thờ Phật.

Chùa có kiến trúc theo kiểu chữ Đinh.

Chùa Hồng Ân hiện có kiến trúc theo kiểu hình chữ Đinh gồm: tiền đường gian, xây kiểu bình đầu bít đốc tay ngai, bộ khung chịu lực bằng gỗ liên kết bởi các bộ vì theo kiểu thức “thượng chồng rường hạ kẻ truyền”, toàn bộ khung nhà chủ yếu được bào trơn bóng bén. Thượng điện kết cấu vì theo kiểu giá chiêng.

Ban Tam bảo bên trong chùa.

Năm tấm bia cổ tại chùa Hồng Ân.

Đặc biệt chùa Hồng Ân còn lưu giữ được 05 tấm bia hậu khắc năm 1988, 1892, 1851, 1946; một quả chuông đúc năm 1902, án thờ, hoành phi, câu đối… Đây là những tư liệu quý góp phần tìm hiểu về địa điểm họp hội nghị Bình Than triều Trần (1282).

Trong chùa còn có nhà Mẫu 3 gian xây dựng vào năm 1995.

Nhà Tổ 7 gian được xây dựng năm 2007.

Tượng phật Bà Quan âm được thờ phía trước chùa.

Chùa đã lưu giữ nhiều tài liệu, cổ vật, bia ký có giá trị tiêu biểu như: Những pho tượng võ tướng đạp sóng mái chèo, ba pho tượng Tam Thế; hai pho tượng Thích Ca; một pho tượng Phật Bà nghìn mắt, nghìn tay biến thể; hai pho tượng A Nan- Ca Diếp…

Khu vực Tháp tổ được xây dựng phía bên phải trước chùa.
 

Những tòa Tháp tổ là nơi tưởng niệm và hành lễ tôn giáo, chứa đựng xá lị sư tăng.

Với những giá trị di sản tiêu biểu đó, chùa Hồng Ân được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 49/UB ngày 20/01/1988.

Cổng TTĐT tỉnh Bắc Ninh